Câu chuyện này tôi cũng đã nghĩ đến từ khá lâu. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay; và không ít quốc gia trên thế giới cũng vậy, họ chỉ dạy chúng ta trở thành “người làm thuê” chứ không phải “một doanh nhân”. Khi tốt nghiệp ra trường, bạn dường như vẫn thiếu kiến thức về cách “trường đời” dạy bạn phải vận hành một doanh nghiệp như thế nào. Bạn mới chỉ nhìn mọi thứ có trên sách vở, suy diễn và tự đưa ra kết luận. Khi bạn bước chân ra khỏi trường học, tự va vấp vào kinh doanh, gặp vấn đề và vấp ngã, ngay lập tức bạn sẽ cần gặp những nhà huấn luyện doanh nghiệp để chỉ dẫn cho bạn lối thoát. Họ sẽ dễ dàng cho bạn lời khuyên và đưa bạn về trở lại đúng quỹ đạo mà bạn mong muốn.
Nhiều trường học hiện nay không dạy cho bạn cách trường đời vận hành doanh nghiệp. Ý tôi muốn nói là những lối ngang ngõ tắt, đôi khi còn là xấu xa bẩn thỉu, đè đầu cưỡi cổ người khác, và chắc chắn những thứ đó thì làm gì có trên sách vở. Và thậm chí MBA cũng chẳng có nói tí nào đến việc này. Trở thành một doanh nhân thì chắc chắn chẳng có một chương trình bằng cấp nào. Đó là một quá trình. Bạn không học được điều này từ sách vở, mà từ môi trường thực tế.
Nếu nhìn lại những năm tháng bạn mài đũng quần trên ghế trường đại học, bạn sẽ nhận thấy rằng, trường học rất tốt để đào tạo bạn trở thành một người làm thuê, và bạn sẽ có những vị trí cao trong nấc thang của một doanh nghiệp. Để rồi có thể một ngày nào đó, nếu bạn là người xuất chúng sẽ bước vào hàng ngũ của ban giám đốc. Bạn trông rất bảnh bên bàn giấy, bạn là một tri thức đúng nghĩa của nó, nhưng nếu thực sự để vận hành một doanh nghiệp và trở thành một “doanh nhân” thì chắc chắn bạn chẳng có tí kinh nghiệm nào. Ở Việt Nam chúng ta tồn tại một ý thức hệ lâu đời về an toàn. Kinh doanh luôn mang lại rủi ro, bạn sẽ bị người nhà mắng mỏ khi vấp ngã và họ sẽ yêu cầu bạn tìm con đường an toàn nhất cho cuộc sống của bạn. Nhà trường cũng vậy, họ sẽ mong bạn tìm được một công việc lâu dài, vững chắc và tốt ở một công ty danh tiếng sau khi tốt nghiệp.
Một khi bạn chọn trở thành doanh nhân, bạn đang tìm lối đi riêng cho cuộc đời của mình. Bạn có thể lựa chọn giữa việc bỏ 1 tỷ đồng để học MBA, hoặc bỏ 1 tỷ đồng đó ra để đầu tư mở một doanh nghiệp của chính bạn và dần dần học những kinh nghiệm kinh doanh từ đó. Tất nhiên bạn cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới mong có ngày thành công. Nhưng đó là “lựa chọn” của bạn.
Tại ActionCOACH chúng tôi chia ra làm 6 bậc trên nấc thang doanh nhân.
1. Người làm thuê
2. Người tự doanh
3. Nhà quản lý
4. Người chủ
5. Nhà đầu tư
6. Doanh nhân
Để dễ hiểu, tôi chia 6 nấc thang ra làm 3 cụm:
Nấc thang 1-2: Tay làm hàm nhai – Người làm thuê và Tự doanh
Đa số mọi người trong xã hội chúng ta đang ở nấc thang này. Họ lựa chọn một cuộc sống đơn giản và an toàn. Họ có thể làm cho ai đó hoặc tự mình mở một công ty/cửa hàng nhỏ mà họ gọi đó là kinh doanh. Nếu họ ốm hay nghỉ làm thì chẳng có tí doanh thu nào. Họ làm là vì một phần thưởng cho công việc của mình.
Nấc thang 3-4: Tầng lớp trung lưu – Quản lý và chủ công ty
Ở tầng lớp này phần lớn là những người có chuyên môn về một lĩnh vực nào đó – bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, luật sư… họ dành phần lớn thời gian của họ cho công việc. Họ có thể tự quản lý một công việc kinh doanh hoặc vận hành cả một công ty chuyên về lĩnh vực đó. Tất nhiên công việc của họ cũng cần họ nhúng tay vào quản lý hàng ngày. Họ làm là vì một phần thưởng lớn hơn, chẳng hạn như nghỉ hưu sớm.
Nấc thang 5-6: Tầng lớp giàu có – Nhà đầu tư và doanh nhân
Chỉ một phần nhỏ nhóm người trên thế giới rơi vào nhóm này. Ở tầm này, họ phát triển, mua bán, cải tiến doanh nghiệp, hoặc tạo ra cơ hội đầu tư và bán chúng cho những người khác. Tiền ở đây đơn giản chỉ để đầu tư và sinh ra thêm tiền. Tuy nhiên, ở nấc thang này, tiền chẳng còn là vấn đề đầu tiên của bạn, mà chính là sản phẩm mang lại lợi ích và giá trị cho xã hội là điều bạn ưu tiên lên hàng đầu. Bạn sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tạo thêm việc làm cho xã hội hoặc sản xuất nhiều hàng hóa dịch vụ có ích cho mọi người hơn. Bạn không làm việc vì phần thưởng cá nhân nào mà làm vì mong muốn tạo ra ảnh hưởng với xã hội. Và khi bạn chỉ nghĩ đến lợi ích chung của xã hội thì phần thưởng bạn nhận được chính là sự thịnh vượng.
Chắc là có rất nhiều câu trả lời, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì:
Giàu có là có “rất nhiều tiền trong tay”
Thịnh vượng là có “rất nhiều tiền và thời gian để hưởng thụ nó”, chẳng có tí lo lắng về tiền và thời gian khi làm bất kỳ việc gì
Chúc mừng bạn lựa chọn con đường trở thành doanh nhân. Hãy tiến bước lên phía trước, tiến về con đường của sự thịnh vượng và hưởng thụ cuộc sống của bạn. Khi bạn thành công trên con đường kinh doanh của mình hãy bước vào nấc thang thứ 5 và 6, hãy để tiền sinh ra tiền và phần thưởng lớn nhất mà bạn nhận được chính là sự kính trọng của xã hội đối với những lợi ích mà bạn tạo ra cho họ.